Những rắc rối đến từ chiếc điện thoại di động nơi công sở
Nghe điện thoại chẳng biết nói sao cho mọi người thông cảm nên mình đành tránh nghe cho đỡ mệt”.
Việc sở hữu một chiếc điện thoại đi động không còn là chuyện khó khăn đối với mỗi người trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay. Đặc biệt, với dân công sở thì họ còn có thể đầu tư để sắm một chiếc điện thoại đầy đủ mọi chức năng để gọi điện, chat chit, lướt web, chơi điện tử hay xem ti vi… Cũng chính vì tính đa chức năng của nó mà ở công sở có bao nhiêu chuyện vui bi hài để nói.
Điện thoại là vật bất ly thân
Chị Hà Anh (nhân viên công ty trách nhiệm hữu hạn Thăng Long) chia sẻ: “Văn phòng mình cấm sử dụng yahoo messenger (công cụ chát) để tránh việc nhân viên thiếu tập trung trong giờ làm việc. Nhưng cấm ở máy bàn thì mọi người lại dùng di động. Mấy em trẻ trung lúc nào cũng kè kè cái điện thoại bên người để chat chit. Sếp nhiều khi biết cũng đành chịu vì chẳng thể nào cấm dùng điện thoại, chỉ có thể thỉnh thoảng đi qua e hèm cho thiên hạ giật mình chơi”.
Ở một văn phòng khác, một nhóm nam giới còn đua nhau mua điện thoại xịn để “chơi game cho sướng”. Đầu tiên là mỗi người chơi một trò, về sau, còn hò hẹn nhau chơi chung một trò trong một thời gian nhất định để so sánh điểm, ai thắng cuộc sẽ được những người còn lại mời ăn trưa.
Hoặc tương tự như việc chặn yahoo ở máy bàn, một số công ty, văn phòng khác thì chặn riêng một số diễn đàn đặc biệt yêu thích mà chị em hay vào tám chuyện, mua bán. Nhưng đi làm ngày 8 tiếng, “cơn nghiện” web dâng lên, các chị em đành phải thay thế bằng điện thoại. Nhiều chị em chia sẻ, một ngày mà không vào được diễn đàn mình yêu thích thì thấy bứt rứt trong người.
Anh Phạm Hùng Dũng (nhân viên ngân hàng) cho biết: “Đầu tiên mình không thể hiểu tại sao mấy chị em cứ nhất thiết phải mang theo điện thoại mọi lúc mọi nơi. Đi ăn trưa mà quên là vội vội vàng vàng quay về lấy. Mãi giờ mới biết, họ mua hàng online. Mang điện thoại là để bao giờ hàng ship (chuyển, giao) đến còn ra mà nhận. Thôi thì đủ các thứ, từ đồ ăn thức uống, các loại đặc sản vùng miền đến quần áo, giày dép, túi xách…”.
Né điện thoại như né tà
Chị Mai Loan (y tá bệnh viện) thở dài: “Thật ra, không phải mình khó khăn hay kiêu căng gì, nhưng nhiều lúc sợ nghe điện thoại lắm. Làm y tá ở một bệnh viện lớn, nên có những khi mình nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ người “hơi quen” rồi họ hàng xa lắc xa lơ. Mà toàn là điện thoại bất ngờ nhờ đưa đi khám, nhờ mua thuốc men này khác. Một buổi sáng mà đưa chừng 3 người đi khám là chẳng làm được việc gì khác nữa rồi. Hơn nữa, mọi người đều không gọi trước, đẩy mình vào những tình huống rất khó xử. Bây giờ, mình chẳng dám cầm điện thoại số chính nữa. Mà lúc nào cũng có một số khuyến mại. Bạn bè rất thân thiết và mọi người trong gia đình mới biết số đó”.
Khác với chị Loan, chị Trâm Anh là người phụ trách mảng tuyển dụng tại một công ty lớn. Vậy nên, chị cũng có những lý do riêng để đôi khi không đem theo điện thoại bên người: “Hễ công ty có đợt tuyển dụng nào mới là y rằng điện thoại của mình liên tục đổ chuông. Toàn là người nhà, người quen gọi đến nhờ vả. Nhờ “đỗ” không được thì lại nhờ “hé lộ đề thi”. Toàn là những việc mình không thể làm được. Nếu mình có thể thiên vị người quen như thế thì làm sao sếp lại để mình tiếp tục ngồi ở vị trí này. Nghe điện thoại chẳng biết nói sao cho mọi người thông cảm nên mình đành tránh nghe cho đỡ mệt”.
Còn với anh Nguyễn Khắc Bình (giảng viên), sau vài lần “rút kinh nghiệm mà vẫn quên”, mỗi lần đến trường, anh bỏ điện thoại vào trong tủ rồi mới lên lớp, lúc dạy xong mới lấy ra. Anh cho biết: “Tôi rất khó chịu khi mình đang giảng bài mà chuông điện thoại, tin nhắn của sinh viên kêu. Vậy nên tôi đã nhắc, trong giờ dạy của tôi, mọi người đều để điện thoại im lặng. Nhắc mọi người là thế, nhưng cũng có khi tôi đãng trí quên mất. Bây giờ rút kinh nghiệm, đến trường là điện thoại di động trở thành cố định một chỗ”.
Leave a Reply